Phó Chủ tịch huyện làm giàu từ nông nghiệp, nặng lòng với văn hóa Êđê
Chàng trai Êđê hiếu học, siêng năngFrom: game casino
Sinh ra lớn lên tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar trong gia đình có 9 anh chị em, Y Wem Hwing là người con thứ 4. Gia đình khó khăn, Ama (cha), Amí (mẹ) đều bám vào mảnh đất đỏ bazan trồng củ sắn, củ khoai, lo chạy từng bữa ăn cho các con.
Dù nghèo nhưng bố mẹ Y Wem rất quan tâm đến việc học tập của con cái, ông bà tích góp cho các con được đến trường, được học con chữ, biết đọc, biết viết tiếng Việt.
Y Wem ham học được bố mẹ gửi đến nhà bà con tại thị xã Buôn Hồ ở nhờ để tiện theo học. Sống tại đây, Y Wem nhận thấy bà con nông dân nơi đây không trồng khoai, sắn như gia đình mình, họ canh tác cà phê, bán được giá rất cao, đời sống khấm khá.
Vào những ngày nghỉ, Y Wem vào các buôn làng xin vào làm công nhật cuốc đất, tỉa cảnh học hỏi cách trồng trọt, chăm sóc cà phê để triển khai mô hình tại quê nhà.
Sau hơn 3 năm triển khai trồng cà phê trên rẫy của bố mẹ, lứa cà phê cho thu hoạch và bắt đầu mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Vừa học, vừa làm Y Wem còn là niềm tự hào khi xuất sắc là một trong những cán bộ gốc Ê đê đầu tiên đỗ vào khoa Y Trường ĐH Tây Nguyên.
Tốt nghiệp, ông Y Wem về công tác tại trạm y tế xã Ea Tar, sau chuyển về làm cán bộ Trung tâm Y tế huyện, rồi về làm chủ tịch một xã cho đến khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch huyện Cư M’gar.
Làm giàu từ mảnh đất đỏ
Tại Đắk Lắk hiếm có vị lãnh đạo đậm chất nông dân như ông Y Wem, mặt ông đen nhẻm, giọng cười vang đầy hào sảng. Đều đặn mỗi ngày, Y Wem dậy từ sớm chạy xe lên rẫy cắt cỏ, phát cành, xịt thuốc… xong xuôi ông về tắm rửa rồi bình dị đến cơ quan bằng chiếc xe máy cà tàng. Đến chiều xong việc, ông lại tranh thủ vào rẫy làm nốt các công việc còn dang dở.
“Mình luôn tranh thủ thời gian để đỡ tiền công thuê, khi làm nông mình thấy cơ thể khỏe ra rất nhiều. Mỗi ngày được nhìn thấy cây trái sinh trưởng tươi tốt đó là điều hạnh phúc của mình”, ông Y Wem vui vẻ nói.
Đến nay, ông Y Wem đang canh tác hơn 3ha cà phê, sầu riêng mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình. Với thành quả có được, Y Wem nói đó là do “liều” vay vốn ngân hàng và tin tưởng vào sự trù phú của mảnh đất đỏ bazan.
Ông Y Wem cho biết, bản thân ông yêu mảnh đất đỏ, ông nói đất chính là nguồn tài nguyên vô giá, là cả kho báu nếu ta biết khai thác đúng. Ông khoe, ông đã dạy cho 2 người con hiểu giá trị của sức lao động, đến nay 2 người con ông trưởng thành một người đang là cán bộ công an tỉnh, một người đang học thạc sĩ.
Ông Y Nguôm Niê – Trưởng buôn Knia (xã Ea Tul) cho biết – ông Y Wem rất được bà con đồng bào trong buôn quý mến, ông “ghi điểm” bởi sự giản dị, thân thiện, trên đường đi làm hay những lần đi cơ sở tại thôn buôn, Y Wem luôn thường trực nụ cười tươi chủ động chào hỏi bà con.
“Khi buôn có các hoạt động, ông Y Wem luôn nhiệt tình hỗ trợ, có những vướng mắc ông cũng nhiệt tình tháo gỡ, xây dựng khối đại đoàn kết trong buôn”, vị trưởng buôn cho hay.
Giúp phát huy văn hóa truyền thống đồng bào Êđê
Y Wem còn là vị cán bộ nặng lòng với văn hóa của các dân tộc, đặc biệt đối với dân tộc Êđê. Sợ văn hóa truyền thống mai một nhất là với giới trẻ, ông Y Wem chỉ đạo các Phòng,ban tham mưu mở các lớp cồng chiêng tại các buôn, mỗi buôn một câu lạc bộ dạy nhạc cụ, khuyến khích mặc đồ đồng bào dântộc trong các dịp lễ quan trọng.
Ông Y Wem hãnh diện khi vừa qua Lời nói vần của dân tộc Êđê được Bộ Văn hóa, và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, huyện Cư M’gar được xem là “cái nôi” của văn hóa truyền thống của người Êđê với trên 300 nghệ nhân biết diễn xướng lời nói vần.
Lời nói vần của người Êđê được ví như báu vật trong những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông cộng đồng người Êđê để lại. “Huyện đang tích cực tuyên truyền, khôi phục lại để cho người dân gìn giữ văn hóa truyền thống, truyền lại cho con cháu di sản Lời nói vần để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc”, ông Y Wem chia sẻ.
Bà H’Kim Hoa Byă – Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk – cho biết, các cán bộ người đồng bào các dân tộc, trong đó có ông Y Wem Hwing với thiết thực nhằm lưu giữ, phát huy văn hóa truyền thống tại các địa phương rất đáng quý, thông qua đó nhiều thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc biết ý thức giá trị văn hóa, để không mai một văn hóa truyền thống của mình.